Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Ba hướng đi cho thủy sản Việt Nam trước thách thức Trung Đông

Ba hướng đi cho thủy sản Việt Nam trước thách thức Trung Đông

Home Tin Tức Ba hướng đi cho thủy sản Việt Nam trước thách thức Trung Đông
Ba hướng đi cho thủy sản Việt Nam trước thách thức Trung Đông
16/07/2025
Cá Giống
4 Lượt xem

Chia sẻ với:

Ba hướng đi cho thủy sản Việt Nam trước thách thức Trung Đông

Trung Đông từng là điểm sáng trong chiến lược đa dạng hóa thị trường của thủy sản Việt Nam nhưng từ giữa tháng 6/2025, xung đột Israel – Iran đã đẩy khu vực này vào vòng xoáy bất ổn và VASEP đề xuất 3 hướng đi mở cơ hội vượt lên rủi ro.

Tăng trưởng ấn tượng giai đoạn 2020–2024

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Đông giai đoạn 2020–2024 đã tăng gần gấp đôi, từ 198 triệu USD lên 366 triệu USD. Năm 2024, dù thị trường toàn cầu gặp khó, xuất khẩu sang Trung Đông vẫn tăng 18%. 

Trung Đông được xem là một trong những thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất của xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 2020–2024.

Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Đông đã giảm 12% so với cùng kỳ, còn 130 triệu USD. Nguyên do bất ổn địa chính trị nghiêm trọng trong khu vực.

Hiện tại, hai sản phẩm chủ lực là cá ngừ và cá tra vẫn chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Đông. Trong đó, cá ngừ đóng hộp và đóng túi ngâm dầu, nước muối rất được ưa chuộng, chiếm hơn 2/3 giá trị cá ngừ xuất khẩu vào khu vực. Cá tra phi lê, cắt khúc và nguyên con đông lạnh tiếp tục có chỗ đứng nhờ giá hợp lý, dễ chế biến, phù hợp với phân khúc phổ thông và dịch vụ ăn uống.

Dân số trẻ, tầng lớp trung lưu cùng với sự phát triển mạnh của ngành du lịch – khách sạn tại các nước như UAE, Qatar, Ai Cập, Kuwait ở Trung Đông là các yếu tố quan trọng giúp chiến lược mở rộng thị trường thủy sản Việt Nam ở đây đạt kết quả tốt. Đặc biệt, yếu tố tôn giáo khiến các sản phẩm đạt chuẩn Halal trở thành lợi thế cạnh tranh lớn.

Bất ổn lớn từ giữa tháng 6/2025

Ngày 13/6/2025, chiến dịch quân sự của Israel mang tên “Sư tử trỗi dậy” bùng nổ, kéo theo các phản ứng từ Iran và nhiều lực lượng trong khu vực. Căng thẳng lan rộng khiến logistics đứt gãy, vận chuyển thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sự bất ổn lớn đã tác động nhiều tới thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Đó là, cước vận tải và phí bảo hiểm tăng cao, do tuyến vận tải qua kênh đào Suez và Biển Đỏ bị gián đoạn, kéo dài thời gian giao hàng. Thủ tục hải quan chậm trễ, rủi ro trong giao nhận và thanh toán tăng, khiến doanh nghiệp lo ngại khi xuất khẩu sang Ai Cập, Iraq, UAE. Chi phí đầu vào đội lên, do giá dầu tăng mạnh, khiến bao bì, cấp đông, bảo quản, vận hành nhà máy đội chi phí, nhất là với nhóm sản phẩm đông lạnh – vốn là thế mạnh của Việt Nam. 

Tác động lớn nhất tới doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính hạn chế có nguy cơ mất đơn hàng hoặc khó duy trì dài hạn.

Đề xuất 3 hướng đi mở cơ hội trong rủi ra

“Trong rủi ro có cơ hội”, VASEP nêu phương châm quen thuộc và nhận định: Cuộc khủng hoảng này là phép thử để ngành thủy sản Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường, chuỗi cung ứng và đầu tư vào sản phẩm giá trị cao.

Ba hướng đi được VASEP đề xuất: 

1/Tập trung đầu tư chứng nhận Halal, mở rộng hệ thống nhà máy đạt chuẩn được công nhận tại Saudi Arabia, UAE, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường Hồi giáo.

2/Đẩy mạnh sản phẩm chế biến sâu như cá ngừ đóng hộp, tôm hấp bóc nõn, cá tra cắt khúc... nhằm gia tăng giá trị và độ bền đơn hàng.

3/Mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia Hồi giáo mới nổi như Jordan, Libya, Pakistan, đồng thời tăng cường hoạt động tại các thị trường đã có hiệp định FTA như EU, Nhật Bản, ASEAN.

Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cũng đã ban hành hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Gồm các giải pháp logistics, bảo hiểm, đàm phán hợp đồng. Xúc tiến thương mại tại các thị trường thay thế, hỗ trợ kết nối thông qua mạng lưới Thương vụ Việt Nam tại Trung Đông. 

Gỡ nút thắt chứng nhận Halal

Mở hướng xuất khẩu sang các quốc gia Hồi giáo mới nổi như Jordan, Libya, Pakistan, và đẩy mạnh vào các quốc gia Hồi giáo ở ASEAN như Indonesia, Malaysia mà VASEP đề xuất, thủy sản Việt Nam cần được tháo gỡ nút thắt vì thiếu cơ quan chứng nhận Halal.

Hôm 27/6/2025, tại hội thảo “Gỡ rào cản phi thuế quan vì thịnh vượng chung ASEAN” vấn đề tháo gỡ nút thắt chứng nhận Halal đã được đặt ra. Tại hội thảo, Phó Tổng thư ký VASEP Lê Hằng cho hay: Chứng nhận Halal đang là một trong những rào cản phi thuế quan lớn cho xuất khẩu thủy sản vào thị trường ASEAN – nơi có hơn 40% dân số theo đạo Hồi. Ở các quốc gia Indonesia, Malaysia, Brunei, chứng nhận Halal là bắt buộc. Việc xin cấp chứng nhận này, tốn từ 1.000 đến 10.000 USD cho mỗi cơ sở, và phí gia hạn hằng năm từ 500 – 5.000 USD. Một nhà máy chế biến tôm muốn xin chứng nhận Halal tại Malaysia có thể mất từ 2.000 – 3.000 USD cho chi phí ban đầu. Quá trình xin chứng nhận Halal có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng. 

Để gỡ nút thắt, VASEP đề xuất Việt Nam sớm thành lập cơ quan chứng nhận Halal quốc gia được công nhận chính thức bởi JAKIM (Malaysia) và MUI (Indonesia). Điều này sẽ giúp: Rút ngắn thời gian xin chứng nhận từ 3 – 6 tháng xuống còn 1 – 2 tháng; Giảm chi phí cho doanh nghiệp khi không phải thuê tổ chức nước ngoài làm trung gian; Tăng tính chủ động và minh bạch trong quá trình kiểm tra, kiểm định.

Đồng thời, cần tiến hành đàm phán công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal giữa Việt Nam và các nước ASEAN, giúp doanh nghiệp không phải kiểm định lại hoặc chịu kiểm toán trùng lặp, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường.

Thống kê của Bộ Công Thương, năm 2024, Indonesia – thị trường Halal lớn nhất thế giới với dân số hơn 280 triệu người, trong đó 87% là người Hồi giáo – đã chi 14 tỷ USD nhập khẩu nông sản, thực phẩm Halal. Tuy nhiên, xuất khẩu thực phẩm từ Việt Nam vào Indonesia chỉ đạt hơn 54 triệu USD, chưa đến 1% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.

Tìm kiếm