Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Bạch tuộc chăn: Phù thủy dưới đại dương

Bạch tuộc chăn: Phù thủy dưới đại dương

Trang chủ Tin Tức Bạch tuộc chăn: Phù thủy dưới đại dương
Bạch tuộc chăn: Phù thủy dưới đại dương
16/07/2025
Cá Giống
4 Lượt xem

Chia sẻ với:

Bạch tuộc chăn: Phù thủy dưới đại dương

Giữa lòng đại dương bao la, có một sinh vật mang hình dáng lạ kỳ, tưởng chừng chỉ xuất hiện trong những câu chuyện huyền thoại có tên là bạch tuộc chăn.

Tên gọi của chúng bắt nguồn từ chính ngoại hình độc đáo: Một lớp màng mỏng khổng lồ nối giữa các xúc tu, trông như một tấm chăn đang tung bay dưới làn nước. Chính tấm “áo choàng” mềm mại và bí ẩn ấy khiến chúng trở nên nổi bật, quyến rũ mà cũng đầy nguy hiểm.

Một loài bạch tuộc có đời sống bí ẩn

Bạch tuộc chăn (tên khoa học là Tremoctopus) hiện được các nhà hải dương học đánh giá là loài bạch tuộc kỳ lạ nhất. 

Điều thú vị là tính đến hiện tại, họ hàng cùng chi chỉ có mỗi mình chúng. Mẫu vật sống đầu tiên chỉ được nhìn thấy vào năm 2002.

Do đó, số lượng cá thể bạch tuộc chăn có thể nói là vô cùng hiếm hoi trong tự nhiên. Thậm chí, việc bắt gặp loài vật này được ví như là sự kiện hy hữu “chỉ có một lần trong đời”. 

Chúng từng được phát hiện ở nhiều nơi như rạn san hô Great Barrier, Vịnh Mexico, Địa Trung Hải hay Ấn Độ Dương. Lối sống phiêu lưu ấy phần nào lý giải vì sao loài này lại hiếm gặp đến vậy.

Không giống những loài bạch tuộc sống bám ở đáy biển, bạch tuộc chăn chuộng những vùng nước ấm và thường trôi nổi tự do trong tầng nước mặt giữa đại dương để săn những loài cá nhỏ và tìm nơi trú ẩn để tránh kẻ săn mồi có kích thước lớn hơn như cá voi. 

Bên cạnh ngoại hình ấn tượng, bạch tuộc chăn còn nổi tiếng bởi sự chênh lệch kích thước không tưởng giữa cá thể đực và cái. Nếu con cái sở hữu cân nặng lên tới 10kg và dài hơn 2m (chiều dài này được ghi nhận khi chúng mở rộng những “tấm chăn”) thì con đực lại chỉ nặng khoảng 0,25g và dài chừng 2,4cm.

Như thế, trung bình kích thước của bạch tuộc chăn cái có thể lớn hơn bạch tuộc chăn đực đến gấp 10.000 lần và thậm chí là 40.000 lần. Đây thực sự là sự chênh lệch kích cỡ lớn nhất từng được ghi nhận trong thế giới sinh vật.

Kỹ năng phòng vệ và “kết đôi” của bạch tuộc chăn

Bạch tuộc chăn không chỉ nổi bật với ngoại hình dị biệt mà còn nổi tiếng với khả năng phòng vệ cực kỳ thông minh cùng sự hung hãn mỗi mùa giao hợp.

Chúng được “trời phú” khá nhiều năng lực đặc biệt để tự vệ như nước bọt có chứa nọc độc (dù không gây chết người) và khả năng thay đổi màu da để hòa lẫn vào môi trường hệt một “phù thủy” thực thụ dưới đại dương.

Cụ thể, khi cảm giác được nguy hiểm đang cận kề, bạch tuộc chăn cái sẽ dang rộng lớp màng mỏng như một tấm chăn khổng lồ để làm mình trông “lực lưỡng” hơn. Nhờ đó, chúng có thể khiến kẻ thù bất ngờ và không kịp tấn công. Nếu tình huống có vẻ khẩn cấp hơn, chúng thậm chí chấp nhận hy sinh “tấm chăn” của mình bằng cách xé nó ra để đánh lạc hướng rồi nhanh chóng trốn thoát.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, một số loài bạch tuộc khác còn có một chiến thuật thông minh khác là sử dụng xúc tu độc của sứa biển Physalia để làm vũ khí. Cụ thể, chúng sẽ xé rời xúc tu sứa và cầm nó như một chiếc roi để tự vệ hoặc tấn công con mồi.

Không chỉ thuần thục cách tự vệ và tấn công con mồi, bạch tuộc chăn còn là một sinh vật hiếu chiến và cực kỳ can đảm vào mùa sinh sản. 

Bỏ qua yếu tố về sự khiêm tốn về kích thước, những cá thể bạch tuộc chăn đực sẵn sàng lao vào cuộc chiến khốc liệt và dùng mọi cách để loại bỏ tình địch, kể cả việc cắn đứt vòi chứa tinh trùng của đối phương. 

Sau nhiều khó khăn, chúng có được cơ hội tiếp cận được với bạch tuộc chăn cái và tách hẳn một xúc tu biến đổi đặc biệt (được gọi là hectocotylus) để chuyển tinh trùng. Khi hoàn thành nhiệm vụ duy trì nòi giống, cá thể đực cũng kết thúc vòng đời của mình.

Được biết, sau khi giao phối, bạch tuộc chăn cái sẽ mang trứng trong lớp màng chăn. Số lượng trứng rất lớn, dao động hàng chục nghìn trứng mỗi lần. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót đến khi trưởng thành của các bạch tuộc con thường rất thấp.

Từ ngoại hình có phần khác lạ đến những kỹ năng tự vệ, tấn công cùng sự hy sinh mỗi mùa sinh sản, bạch tuộc chăn thực sự là một ví dụ điển hình về sức sống mãnh liệt của một sinh vật biển giữa lòng đại dương khắc nghiệt.

Tìm kiếm